Tình Trạng Ô Nhiễm Không Khí và Sức Khỏe Cộng Đồng

Tìm hiểu về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng của tình trạng ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe. Ô nhiễm không khí có liên quan đến bệnh tật hoặc tổn thương phổi dưới dạng hen suyễn, viêm phế quản và khí phế thũng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí góp phần gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, tiểu đường và chứng mất trí.

Mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe cộng đồng có thể được thể hiện dưới dạng:

Phát Thải - Nồng Độ - Mức Phơi Nhiễm - Liều Lượng - Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe

Phát Thải

Trong Vùng Vịnh, nhiều nguồn khác nhau thải ra nhiều chất gây ô nhiễm không khí, như vật chất dạng hạt, chất lan nhiễm không khí độc hại và các hóa chất khác phản ứng trong khí quyển để tạo thành ozone. Các nguồn phát thải bao gồm các nguồn ô nhiễm cố định như nhà máy, nhà máy tinh chế, xưởng đúc và trạm xăng, và các nguồn di động như ô tô, xe tải, xe lửa, tàu biển và thiết bị nông nghiệp và xây dựng.

Xác định các nguồn phát thải và phát triển các chiến lược để giảm phát thải các chất ô nhiễm có hại, hoặc tiền chất hóa học của chúng, là bước đầu tiên trong việc phát triển các biện pháp giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí. Air District thiết lập hồ sơ về lượng phát thải để mô tả và định lượng phát thải các chất gây ô nhiễm chính.

Nồng Độ

Nồng độ môi trường xung quanh đề cập đến mức độ các chất ô nhiễm đo được trong không khí. Mối quan hệ giữa phát thải và nồng độ môi trường xung quanh rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả điều kiện khí tượng (nhiệt độ, tốc độ và hướng gió và trộn theo chiều dọc) tỷ lệ các chất ô nhiễm (ví dụ tỷ lệ Khí Hữu Cơ Phản Ứng (Reactive Organic Gases, ROG) so với Oxit Ni-tơ (Oxides of Nitrogen, NOx), trong trường hợp ozone), và địa hình.

Một số chất gây ô nhiễm như ozone có tầm ảnh hưởng mang tính quy mô khu vực. Tuy nhiên, trong trường hợp vật chất dạng hạt và chất lan nhiễm không khí độc hại, nồng độ môi trường xung quanh có thể khác nhau rất nhiều trong một khu vực địa lý nhỏ.

Air District sử dụng hệ thống giám sát môi trường không khí để đo nồng độ chất ô nhiễm không khí và thực hiện mô hình hóa quang hóa để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa phát thải và nồng độ môi trường xung quanh.

Mức Phơi Nhiễm

Mức phơi nhiễm liên quan đến lượng ô nhiễm mà một cá nhân hoặc cộng đồng nhất định phơi nhiễm và tần suất, thời gian phơi nhiễm mức đó.

Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, vấn đề chính không phải là có bao nhiêu ô nhiễm trong không khí, mà là có bao nhiêu người phơi nhiễm với ô nhiễm. Mức phơi nhiễm của từng cá nhân với ô nhiễm không khí rất khác nhau, tùy thuộc vào nơi mọi người sống, làm việc và vui chơi. Tổng mức phơi nhiễm ở những người sống trong khu vực thành thị sẽ cao hơn, do mật độ dân số cao hơn.

Liều Lượng

Liều lượng đề cập đến lượng ô nhiễm thực tế mà một cá nhân đưa vào cơ thể. Liều lượng từ một mức phơi nhiễm nhất định sẽ khác nhau theo từng cá nhân tùy thuộc vào độ tuổi, hoạt động và tốc độ trao đổi chất.

Ví dụ, khi mọi người đang tập thể dục, đặc biệt là trẻ em, họ nhận được liều lượng cao hơn từ một lượng phơi nhiễm nhất định vì họ thở sâu hơn và nhanh hơn. Các mô hình hoạt động và lối sống, chẳng hạn như mọi người ở bên ngoài bao nhiêu lâu, hoặc họ dành bao nhiêu thời gian để lái xe trên những con đường đông đúc, khác nhau rất nhiều từ người này sang người khác. 

Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe

Ô nhiễm không khí có thể gây ra hoặc góp phần gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật, tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm của cá nhân và khả năng chịu đựng ô nhiễm không khí. Giống như mức phơi nhiễm ở cá nhân là khác nhau, khả năng chịu đựng được mức phơi nhiễm với các chất ô nhiễm của cơ thể chúng ta cũng vậy.

Air District đặc biệt quan tâm đến việc giảm phơi nhiễm cho những người dễ bị ô nhiễm không khí nhất, bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao niên và những người hiện đang mắc bệnh tim mạch hoặc hô hấp.

Cộng đồng dân tộc thiểu số, thu nhập thấp cũng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, do khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và các yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường còn hạn chế, điều này góp phần gây ra những tổn thương về sức khỏe.

Spare the Air Status

Last Updated: 17/04/2020